Website đang trong giai đoạn cập nhập định kỳ, mọi thông tin chi tiết liên hệ hotline: 0901.455.988

Thời hạn nộp mẫu 04/SS-HĐĐT

1. Khái niệm về hủy hóa đơn điện tử

Theo quy định tại khoản 10 điều 3 nghị định 123, hủy hóa đơn, chứng từ là việc làm cho hóa đơn, chứng từ không có giá trị sử dụng.

Người nộp thuế cần lưu ý khái niệm này để phân biệt với việc tiêu hủy hóa đơn. Theo quy định tại khoản 11 điều 3, tiêu hủy hóa đơn, chứng từ điện tử là biện pháp làm cho hóa đơn, chứng từ điện tử đó không còn tồn tại trên hệ thống thông tin, không thể truy cập và không thể tham chiếu các thông tin trong hóa đơn, chứng từ đã tiêu hủy.

Hủy hóa đơn và tiêu hủy hóa đơn là 2 biện pháp khác nhau về bản chất, với các cách thực hiện khác nhau:

  • Khi hủy hóa đơn thì hóa đơn đó vẫn “tồn tại” nhưng không có giá trị sử dụng (áp dụng khi hủy đơn có sai sót theo quy định).
  • Khi tiêu hủy hóa đơn thì hóa đơn đó không còn “tồn tại” trên hệ thống nếu là hóa đơn điện tử hoặc không còn tồn tại trên thực tế nếu là hóa đơn giấy.

2. Khi nào thì thực hiện hủy hóa đơn điện tử

Căn cứ khoản 1 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử khi phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC cũng quy định rõ về việc xử lý hóa đơn điện tử, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót trong một số trường hợp như sau:

b) Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập và thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP;”

Như vậy, hóa đơn diện tử có sai sót sẽ thực hiện hủy trong một số trường hợp (thông thường sẽ thực hiện điều chỉnh hóa đơn).

3. Thủ tục hủy hóa đơn điện tử

Khoản 1 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hủy hóa đơn điện tử như sau:

– Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123 và lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua.

– Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.

4. 4 trường hợp phải nộp mẫu 04/SS-HĐĐT

Theo Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Điều 7, khoản 6 Điều 12 Thông tư 78/2021/TT-BTC, người nộp thuế phải gửi mẫu 04 nếu thuộc 01 trong 04 trường hợp sau:

– Trường hợp 1: Người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót (khoản 1 Điều 19 Nghị định 123/2020)

Người bán gửi mẫu số 04/SS-HĐĐT về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua.

Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.

– Trường hợp 2: Hóa đơn điện tử có mã/không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót.

Người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.

– Trường hợp 3: Trường hợp cơ quan thuế phát hiện hóa đơn điện tử có mã/không có mã của cơ quan thuế đã lập có sai sót thì cơ quan thuế thông báo cho người bán để người bán kiểm tra sai sót.

Theo thời hạn thông báo ghi trên mẫu số 01/TB-RSĐT Phụ lục IB, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo mẫu số 04/SS-HĐĐT, trong đó ghi rõ căn cứ kiểm tra là thông báo mẫu số 01/TB-RSĐT của cơ quan thuế (bao gồm thông tin số và ngày thông báo).

– Trường hợp 4: Hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP có sai sót:

Người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo mẫu số 04/SS-HĐĐT và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới (hóa đơn điện tử có mã/không có mã của cơ quan thuế) thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót.

5.Thời hạn nộp thông báo hủy hóa đơn điện tử

Trường hợp bên bán tự phát hiện ra sai sót và gửi thông báo

Theo khoản 1 điều 7 thông tư 78/2021/TT-BTC, thời hạn nộp thông báo 04/SS-HĐĐT là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế phát sinh hóa đơn điện tử có sai sót.

Ví dụ: Ngày 1/7, công ty X phát hành 1 hóa đơn và đã được cơ quan thuế cấp mã. Đến 10/08/2022, công ty X phát hiện hóa đơn có sai sót và lập hóa đơn điều chỉnh.

Doanh nghiệp gửi thông báo 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế muộn nhật là ngày 30/09 (nếu kê khai quý) hoặc ngày 31/08 (nếu kê khai tháng).

Trường hợp gửi thông báo theo yêu cầu của cơ quan thuế

Nếu doanh nghiệp nhận được thông báo rà soát hóa đơn Mẫu số 01/TB-RSĐT của cơ quan thuế, do cơ quan thuế phát hiện sai sót trên hóa đơn điện tử của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải kiểm tra lại và gửi thông báo sai sót hóa đơn điện tử 04/SS-HĐĐT cho cơ quan thuế theo thời hạn nêu trong thông báo 01/TB-RSĐT.

Thời hạn nộp mẫu 04/SS-HĐĐT có phải thời hạn kê khai thuế GTGT?

Điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/NĐ-CP quy định:

a) Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải cấp lại mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có sai sót cần xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì người bán được lựa chọn sử dụng Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để thông báo việc điều chỉnh cho từng hóa đơn có sai sót hoặc thông báo việc điều chỉnh cho nhiều hóa đơn điện tử có sai sót và gửi thông báo theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế bất cứ thời gian nào nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng phát sinh hóa đơn điện tử điều chỉnh;

Theo Thông tư 78/2021/TT-BTC thì trường hợp lập hóa đơn thay thế/điều chỉnh hóa đơn có sai sót cũng phải lập mẫu 04/SS-HĐĐT, tuy nhiên, điều này mâu thuẫn với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Do đó, sẽ áp dụng theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế sẽ không phải gửi mẫu 04/SS-HĐĐT.

Đối chiếu với các trường hợp phải gửi mẫu 04 nêu ở phần đầu bài viết, thời hạn gửi mẫu 04/SS-HĐĐT:

– Trường hợp hủy hóa đơn cấp lại hóa đơn mới (trường hợp 1): Thời hạn là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế GTGT phát sinh hóa đơn mới.

Hiện nay, đang có 02 luồng ý kiến về thời hạn gửi mẫu 04/SS-HĐĐT đối với trường hợp này

  • Ý kiến thứ nhất: Thời hạn này là thời hạn kê khai thuế GTGT (thời hạn nộp tờ khai thuế, ngày 20 của tháng sau – nếu kê khai theo tháng, ngày cuối cùng của quý – nếu kê khai theo quý)
  • Ý kiến thứ hai: Thời hạn này là ngày cuối cùng của kỳ khai thuế (tương ứng với ngày cuối tháng – nếu kê khai theo tháng, cuối quý – nếu kê khai theo quý)

Thông tư 78 đã nêu rõ thời hạn nộp mẫu 04 chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng phát sinh hóa đơn điện tử điều chỉnh.

Ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế là ngày cuối tháng, cuối quý và không phải là thời hạn kê khai thuế.

Kết luận: Tức là thời hạn gửi mẫu 04/SS-HĐĐT không phải là thời hạn kê khai thuế GTGT.

6. Chậm nộp thông báo hủy hóa đơn điện tử xử phạt thế nào?

Việc chậm gửi mẫu số 04/SS/HĐĐT có rủi ro vi phạm Điều 29 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, mức xử phạt như sau:

Điều 29 Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập, gửi thông báo. báo cáo về hóa đơn

  1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 05 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định mà có tình tiết giảm nhẹ.
  2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo về hóa đơn theo quy định gửi cơ quan thuế.

Trường hợp tổ chức, cá nhân tự phát hiện sai sót và lập lại thông báo, báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì không bị xử phạt.

  1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 11 ngày đến 20 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
  2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 21 ngày đến 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
  3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định;

b) Không nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế theo quy định.

  1. Các hành vi vi phạm về lập, gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn đã được quy định tại Điều 23, 25 Nghị định này thì không áp dụng Điều này khi xử phạt vi phạm hành chính.
  2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập, gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 5 Điều này.
5/5 - (1 bình chọn)