Website đang trong giai đoạn cập nhập định kỳ, mọi thông tin chi tiết liên hệ hotline: 0901.455.988

Quy định về hợp đồng cộng tác viên

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật lao động 2019;
  • Bộ luật Dân sự 2015.

1. Cộng tác viên là gì?

Cộng tác viên là người làm việc tự do, cộng tác với tổ chức để thực hiện những công việc đã được định lượng sẵn khối lượng công việc, thời gian, địa điểm, thù lao. Đây là một công việc tự do, không quá gò bó, mang tính chủ động cao. Ngoài ra, đối với một số loại hợp đồng, cộng tác viên không cần phải đến công ty và làm việc theo quy chuẩn như những nhân viên chính thức.

2. Các loại hợp đồng cộng tác viên

Hợp đồng cộng tác viên là văn bản quan trọng trong quan hệ giữa doanh nghiệp và cộng tác viên. Hiện nay không có một quy định cụ thể nào về Hợp đồng cộng tác viên (CTV). Hợp đồng CTV là tên gọi. Tuỳ thuộc vào đối tượng hợp đồng và các điều khoản quyền, nghĩa vụ các bên để nhận định Hợp đồng cộng tác viên là gì? Hợp đồng CTV có thể là Hợp đồng dịch vụ hoăc là hợp đồng lao động.

2.1. Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động

Khoản 1 Điều 13 Bộ luật lao động 2019 quy định: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.”. Như vậy, nếu cộng tác viên và người sử dụng lao động có các điều khoản như trên, thì có thể nhận định Hợp đồng cộng tác viên là Hợp đồng lao động.

Nếu công ty ký kết hợp đồng lao động đối với cộng tác viên, khi đó, quan hệ lao động sẽ được phát sinh, và các bên sẽ bị ràng buộc bởi rất nhiều các quy tắc như (Nội quy lao động, điều lệ công ty, thời gian làm việc trong một ngày, thời gian nghỉ lễ…) thì người được tuyển dụng xem như đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và tùy theo thời hạn ký kết hợp đồng mà xác định đó là hợp đồng lao động nào.

Lúc này, hợp đồng cộng tác viên sẽ được coi là hợp đồng lao động và phải tuân theo các quy định trong Bộ Luật lao động.

2.2. Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ

Nếu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên vào làm việc theo dự án, chương trình, trong đó nhân viên được tuyển dụng không bị ràng buộc bởi các nội quy, quy chế của đơn vị; thời gian, địa điểm làm việc thường tự do; thù lao được trả theo công việc được giao, tạm ứng và thanh toán khi hoàn thành công việc.

Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng dịch vụ như sau: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”.

Như vậy, trong hợp đồng CTV, cộng tác viên sẽ là bên thực hiện dịch vụ. Khi đó, bên nhận cộng tác viên làm việc sẽ chi trả chi phí dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ này. Cộng tác viên chỉ việc hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian cụ thể mà hai bên đã thỏa thuận.

Lúc này, bản chất của hợp đồng cộng tác viên được coi là hợp đồng dịch vụ và chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự.

3. Cộng tác viên có phải đóng thuế thu nhập cá nhân

Theo Thông tư 111/2013/TT- BTC, các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Như vậy, nếu Công ty ký Hợp đồng dịch vụ hoặc Hợp đồng lao động dưới 03 tháng thì công ty khấu trừ thuế thu nhập cá nhân với mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cộng tác viên nếu thu nhập của bạn từ 02 triệu đồng trở lên.Còn đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi có thu nhập tính thuế > 0. Cụ thể, cách tính thuế thu nhập đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo công thức sau:

(1) Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trong đó:

(2) Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ

Thu nhập chịu thuế được tính như sau:

(3) Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn

4. Cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Nếu Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động thì Hợp đồng lao động được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động 2019. Vì thế, người lao động phải tham gia chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trường hợp Hợp đồng với cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ thì cộng tác viên không phải là người lao động. Vì vậy không áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… như đối với người lao động.

5/5 - (1 bình chọn)